Tiếp nối bài viết về những món ăn nên thưởng thức tại Hà Giang. Trong bài viết này Halo sẽ giới thiệu với các 5 món ăn tiếp theo nên thử khi đặt chân đến vùng đông bắc này.
1.Cháo ấu tẩu
Cháo ấu tẩu hay còn gọi là “cháo độc” hay “cháo chết người” vì nó được làm từ củ ấu tẩu mang lượng độc tố cao chỉ có ở vùng Tây Bắc và có thể gây ra những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tuy nhiên nếu được chế biến đúng cách nó lại là bài thuốc quý cho sức khỏe. Qua bàn tay khéo léo của những người dân tộc Mông đã khiến cho món ăn này trở thành đặc sản vùng núi mang những nét đặc trưng của vùng đất cao nguyên đá.
Bản thân củ ấu tẩu nếu không biết ninh sẽ rất đắng và rất độc nhưng nếu ninh kỹ sẽ rất ngon, bổ. Cháo có vị đắng bởi đây là một loại biệt dược vô cùng quý trên cao nguyên đá, mỗi mùa chỉ có một vụ. Người ta nói thuốc đắng dã tật nên bạn cũng nên thử món này nhé.
Loại cháo này thường bán vào buổi tối bởi theo kinh nghiệm của người dân thì cháo này phát huy tác dụng tốt nhất khi qua giấc ngủ đêm. Ăn cháo này ban đêm sẽ giúp ngủ ngon, giúp bạn lấy lại sức sau một ngày khám phá vùng đất cao nguyên đá.
2.Thắng Cố Hà Giang
Thắng cố là một trong những món ăn đặc sản địa phương tại Cao nguyên Đá Đồng Văn. Nếu muốn trải nghiệm nền văn hóa ẩm thực của địa phương, thắng cố chắc chắn là một trong những món đặc sản Hà Giang không thể bỏ qua nhé!
Thắng cố là món ăn truyền thống của người dân tộc H’Mông tại Hà Giang và Sapa. Ban đầu chỉ là một món ăn dân dã trong các dịp lễ quan trọng và chợ phiên, nhưng sau đó thắng cố đã được du khách biết đến và truyền tai nhau, dần trở thành món được tìm kiếm nhiều nhất để thưởng thức khi đến với vùng núi cao Đông Bắc.
Thắng cố là món ăn có nguồn gốc từ tộc người H’Mong, được nấu từ thịt ngựa nhưng ngày nay đã sử dụng thêm thịt bò, trâu. Theo truyền thống, tên “thắng cố” có nghĩa là canh xương. Nó được dùng trong các ngày lễ quan trọng và chợ phiên và hiện được du khách thập phương vô cùng ưa chuộng.
Không chỉ dừng lại là một món đặc sản Hà Giang mà Thắng cố đã trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống vô cùng độc đáo của người dân địa phương. Thông thường, Thắng cố có thể ăn kèm với mèn mén hoặc bánh ngô nướng. Du khách có thể trải nghiệm cảm giác của một người con H’Mông qua trải nghiệm ăn Thắng cố thưởng thức cùng một cốc rượu ngô.
Thứ rượu nồng ấm và hơi ngọt nhẹ khi kết hợp với món thắng cố thơm giòn lại càng kích thích vị giác. Ở Sapa, mọi người sẽ ăn thắng cố cùng một loại nước chấm độc đáo làm từ loại ớt Mường Khương. Tuy nhiên, món đặc sản này ở Hà Giang đã được nêm nếm cực kỳ đậm đà nên không cần chấm cùng loại gia vị nào cả.
3.Xôi ngũ sắc
Xôi ngũ sắc là món ăn nổi tiếng của dân tộc Tày và trở thành đặc sản không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết của người dân tộc ở Hà Giang. Gọi là xôi ngũ sắc bởi món ăn này được tạo nên bởi 5 màu khác nhau: đỏ, xanh, trắng, tím, vàng tượng trưng cho ngũ hành. Trừ màu trắng, các màu còn lại đều được ngâm lá, củ cây rừng để tạo màu chứ không dùng các chất tạo màu. Với hình thức bắt mắt 5 màu, độ dẻo thơm của gạo nếp nương xôi ngũ sắc đã trở thành món ăn truyền thống trong các dịp lễ Tết, sinh hoạt cộng đồng của đồng bào nơi đây.
Đằng sau những màu sắc bắt mắt của món xôi là ẩn ý cầu mong cho năm mới làm ăn thuận lợi của người Tày. Xôi năm màu đại diện cho ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ.
Màu đỏ mang ý nghĩa của khát vọng. Màu xanh tượng trưng cho màu xanh của núi rừng, cầu mong cho cây cối tươi tốt, thóc đầy nương, ngô đầy bồ. Màu tím tượng trưng cho đất đai trù phú, màu mỡ. Màu vàng tượng trưng cho sự ấm no, đầy đủ. Màu trắng tượng trưng cho sự chung thủy trong tình yêu. Theo quan niệm của người Tày, màu sắc món xôi càng đẹp thì càng tượng trưng cho sự thịnh vượng, làm ăn phát đạt cho gia đình.
4.Nộm da trâu
Món ăn nộm da trâu không đơn thuần là một món ngon mà nó còn thể hiện sự tinh tế của người dân ở miền núi Tây Bắc xa xôi. Da trâu khi đã được sơ chế thì dùng để chế biến thành món ngon độc đáo. Để làm được món nộm này thì bạn phải kiên trì và khéo léo thì mới có thể làm được món ngon trọn vẹn.
Nộm là sự kết hợp của da trâu và những nguyên liệu núi từng khác. Vậy nên, món ngon này thơm ngon về hương vị, màu sắc hấp dẫn khiến nhiều người xiêu lòng. Trời lành lạnh, ngồi bên bếp lửa hồng mà ăn món này thì còn gì bằng.
Nét độc đáo của món nộm này chính là những loại gia vị đậm chất Tây Bắc, vô cùng đa dạng. Các nguyên liệu bắt buộc phải có để tạo nên hương vị thơm ngon là ớt, lạc rang, hoa chuối, gừng, rau dớn, rau mùi, hạt mắc khén. Để món ăn thêm thơm ngon, da trâu giòn và mềm thì đừng quên bổ sung thêm nước măng chua nhé.
5.Bánh cuốn trứng
Cùng tên là bánh cuốn nhưng bánh cuốn Hà Giang khác so với bánh cuốn nơi miền xuôi mà chúng ta từng thưởng thức. Bánh cuốn Hà Giang cầu kỳ, đặc biệt hơn khi được tráng trên bếp họ sẽ đập thêm quả trứng rồi mới cuốn lại. Nếu như bánh cuốn miền xuôi đơn giản chấm cùng chén mắm thì bánh cuốn Hà Giang lại ăn kèm cùng bát nước lèo nóng có nhiều mảnh giò trắng béo ngậy. Chỉ nhìn thôi đã thấy ngất ngây! Bánh cuốn Hà Giang được xem là “món lạnh” nên ăn kèm cùng chén nước lèo có giò nóng sẽ khiến thực khách ấm lòng hơn bao giờ hết!
Lên Hà Giang, tìm về một quán cóc nhỏ và gọi một đĩa bánh cuốn trứng, cảm giác ngồi đợi giữa trời se lạnh, rồi nhìn đĩa bánh cuốn trứng bên cạnh chén nước lèo bốc khói nóng thật ấm áp biết bao. Trong ẩm thực của Hà Giang, bánh cuốn trứng đặc biệt là phải ăn nóng nên không được làm sẵn, mà phải đợi, có lẽ đó cũng là một phần khiến thực khách thập phương thêm cảm xúc háo hức khi thưởng thức món ăn này!
Ăn một miếng bánh cuốn trứng để thấm vị độc đáo, đó là vị béo ngầy ngậy của lòng đỏ trứng, rồi vị dai dai của lớp bột bánh bọc bên ngoài. Phải ăn ngay, phải nhanh tay chấm qua chén nươc lèo rồi thưởng thức mới đã. Ăn xong miếng bánh, húp miếng nước lèo, ăn miếng giò nóng thì không còn gì ngon bằng.
Bình luận (0)